Cùng đi có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng; lãnh đạo các sở ngành.
Theo báo cáo của BIWASE, Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương có quy mô 100 ha với công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Công suất tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt đạt 3.511,6 tấn/ngày; chất thải công nghiệp thông thường đạt 1.204,7 tấn/ngày; chất thải công nghiệp nguy hại đạt 1.732,08 tấn/ngày; chất thải xây dựng đạt 160 tấn/ngày. Khối lượng rác tiếp nhận tương đương 2.642,5 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được xử lý, tái chế thành các loại phân bón hữu cơ; các sản phẩm nhựa, nylon, kim loại; chất thải đốt phát điện; các sản phẩm gạch không nung, bê tông tái chế...
Doanh thu của Công ty tăng qua các năm, năm 2022 đạt 939 tỷ đồng. Hiện Công ty đang đầu tư mở rộng quy mô tại một số tỉnh, thành trong cả nước.
Tại buổi làm việc, BIWASE đã kiến nghị về cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ liên quan đến các sản phẩm tái chế của Công ty để nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao khoa học công nghệ; đẩy nhanh tiến độ giao đất ở xã Tân Long (huyện Phú Giáo) để Công ty mở rộng quy mô nhà máy; chính sách vay vốn tín dụng, thuế; chính sách về giá điện do Công ty sản xuất sắp tới...
Qua khảo sát thực tế và ý kiến của các sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những thành tựu đạt được của Công ty trong công tác bảo vệ môi trường và đóng góp lớn vào sự phát triển chung của Bình Dương trong suốt thời gian qua.
Bí thư nhấn mạnh, thế giới đang đón đầu xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó, Công ty cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất. Trong công tác xử lý rác thải, cần phải nâng cao chất lượng môi trường khu vực xung quanh; phấn đấu thực hiện lộ trình xử lý rác thải tại nguồn theo quy định. Bên cạnh đó, tập trung cung cấp nước sạch cho tỉnh và khu vực.
Ghi nhận các kiến nghị của Công ty, Bí thư đề nghị các sở ngành nghiên cứu xây dựng bảng giá nước sạch sinh hoạt cho phù hợp; nghiên cứu sử dụng các sản phẩm gạch tái chế từ rác thải cho các dự án phát triển đô thị. Các tổ chức tín dụng ưu tiên để Công ty tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng quy mô sản xuất; ngành Thuế hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường... nhằm tạo điều kiện cho Công ty tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị đáng sống, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.